Lượt xem: 900

Tuân thủ quy định về cải hoán, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển

Nghề khai thác thủy, hải sản tại tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua có bước phát triển lớn mạnh với sản lượng thủy sản khai thác hàng năm trên 60.000 tấn. Số lượng tàu có công suất lớn tăng nhanh đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ hoạt động khai thác. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích mang lại từ ngư trường khai thác rộng lớn ở khu vực biển Đông, hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân luôn tiềm ẩn những rủi ro do tác động từ thời tiết, khí hậu. Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các chủ tàu trang bị thiết bị cứu hộ, cứu nạn, công tác tuyên truyền các quy định về cải hoán tàu cá luôn được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.

 


Tàu cá đang được cải hoán tại cơ sở đóng, sửa chữa tàu Long Ánh thuộc ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

 

    Với chiều dài 72 km tiếp giáp biển Đông cùng hệ thống 3 cửa sông đổ ra biển, tỉnh Sóc Trăng có nhiều điều kiện phát triển ngành khai thác thủy sản, đặc biệt là ngành khai thác trên biển. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1000 tàu đánh bắt thủy hải sản, trong đó tàu khai thác xa bờ có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 368 tàu với tổng công suất 176.485CV. Phần lớn các tàu có thiết kế vỏ gỗ, luồng lách làm từ xi măng, trong khi các thiết bị máy móc ngày càng tăng tiến với công suất lớn, khiến hầu hết tàu cá đều chịu tác động lực đẩy lớn và tiêu hao nhiều năng lượng. Tàu cá hoạt động thường xuyên quanh năm, vấn đề tu bổ, sửa chữa là điều cần thiết, đặc biệt là đối với tàu cá khai thác xa bờ sử dụng máy công suất lớn; nhằm đảm bảo vươn khơi, bám biển được dài ngày hơn để nâng cao sản lượng khai thác. Ông Phạm Văn Út Anh ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề cho biết: “Hoạt động trên biển là nghề khá nguy hiểm, vì mưa bão, sự cố khó lường trước được. Vì vậy, tàu của tôi hoạt động được vài năm là tôi mang lên ụ để kiểm tra. Xem cái nào hư hao thì mình đầu tư sửa chữa lại cho an toàn”.

    Tuy nhiên, tình trạng chủ tàu cá tự phát sửa chữa, cải hoán tàu cá không báo cáo, không thực hiện đúng theo quy định vẫn còn diễn ra thường xuyên. Xuất phát từ thực tế đó, nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện việc cải hoán, đóng mới tàu cá như: Nghị định 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 của Chính phủ, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo tàu cá thực hiện đúng quy định an toàn về cải hoán, đóng mới. Nhận thức rõ việc chấp hành tốt các quy định về đóng mới, cải hoán táu cá sẽ giúp hoạt động khai thác, đánh bắt diễn ra an toàn, hiệu quả hơn, đa số bà con ngư dân đều báo cáo đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền khi di chuyển tàu đến ụ tàu, hoặc nhờ cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định về thiết kế tàu, các loại máy móc được trang bị trên tàu. Ông Đặng Văn Thơ ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề cho biết thêm: “Trước khi đem tàu lên ụ tàu thì tôi cũng trình báo với bên đăng kiểm, trình đầy đủ thủ tục giấy tờ. Khi sửa chữa xong, đến lúc hạ thủy thì mình cũng trình báo thêm lần nữa để cơ quan chức năng họ kiểm tra, đánh giá xem đạt chất lượng chưa”.

    Để đảm bảo các tàu cá được sửa chữa, đóng mới một cách an toàn, đảm bảo về chất lượng, tại Điều 63, Luật Thủy sản 2017 cũng quy định rõ các điều kiện đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Theo đó, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá khi đáp ứng các điều kiện như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán; có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu...

    Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm, Sóc Trăng có gần 20 tàu cá có nhu cầu cải hoán, đóng mới, nhưng toàn tỉnh chỉ có một cơ sở sửa chữa, đóng tàu với công suất còn hạn chế. Nghề khai thác hải sản của ngư dân đa dạng, nhiều nghề, thời gian bám biển sản xuất dài ngày nhưng chất lượng tàu cá còn chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ làm mất an toàn đến hoạt động sản xuất trên biển. Đồng chí Lư Tấn Hòa – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Để đảm bảo hoạt động khai thác thủy hải sản được an toàn, bà con ngư dân khi muốn cải hoán, sửa chữa tàu cá phải liên hệ với đơn vị chuyên thiết kế, cải hoán tàu cá. Sau khi họ có hồ sơ thiết kế được cơ sở đăng kiểm phê duyệt theo quy định thì sẽ liên hệ với Trung tâm Hành chính công để gửi đơn yêu cầu sửa chữa, cải hoán đến Chi cục Thủy sản. Khi nhận được đơn yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét, hỗ trợ ngư dân để họ có đủ điều kiện cải hoán. Cũng lưu ý bà con phải sửa chữa tại những cơ sở được công nhận đủ điều kiện cải hoán, sửa chữa tàu cá để được thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo. Người dân không tự ý cải hoán, đóng mới không xin phép, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tàu cá cải hoán, đóng mới sau khi được chấp thuận phải thực hiện theo quy trình giám sát của cơ quan đăng kiểm và phải được đăng kiểm cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật trước khi hoạt động”.

    Bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan chức năng, chủ tàu cá và bà con ngư dân cũng cần có sự chủ động chấp hành tốt những điều kiện an toàn cho người và tàu thuyền khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Trước nhất là thực hiện đúng quy trình khai báo khi có nhu cầu cải hoán, đóng mới, đảm bảo tàu đạt chất lượng thiết kế an toàn, để mỗi chuyến vươn khơi, đều là một mùa biển đẹp.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 1466
  • Trong tuần: 70,799
  • Tất cả: 11,864,826